Vụ tấn công mạng lớn nhất trong lịch sử, tiết lộ NSA theo dõi người dùng Internet khiến thế giới rúng động, thương vụ mua bán đình đám Microsoft- Nokia, số phận long đong của Blackberry, Facebook “lên sàn”… Năm 2013 sắp khép lại với hàng loạt sự kiện công nghệ nóng bỏng.
Dưới đây là những sự kiện nóng bỏng nhất trong năm 2013:
Tiết lộ NSA theo dõi người dùng Internet khiến thế giới rúng động
Tháng 6/2013, cả thế giới rúng động trước tiết lộ của cựu nhân viên CIA Edward Snowden về một chiến dịch có tên gọi PRISM được tiến hành bởi Cơ quan An ninh Mỹ (NSA), hợp tác với 9 hãng công nghệ và công ty Internet hàng đầu thế giới cho phép NSA truy cập email, tài liệu, hình ảnh và các dữ liệu nhạy cảm, riêng tư của người dùng của 9 hãng công nghệ kể trên.
Trong số các hãng công nghệ lớn có liên quan có thể kể đến các tên tuổi như Google, Facebook, Microsoft, Yahoo, PalTalk, AOL, Youtube (thuộc Google), Skype (thuộc Microsoft) và cả Apple đều tham gia chương trình của NSA.
Sau tiết lộ chấn động của Snowden, các hãng công nghệ lớn đã lên tiếng phủ nhận tham gia chiến dịch PRISM, tuy nhiên có thừa nhận cung cấp thông tin người dùng của mình cho chính phủ Mỹ. Google, Apple, Microsoft, Facebook… sau đó đã công khai những con số về yêu cầu của chính phủ Mỹ và số lượng thông tin người dùng được các hãng này cung cấp trở lại. Mục đích của hành động này của các hãng công nghệ là nhằm phòng chống khủng bố và các hoạt động tội phạm khác.
Thậm chí, Snowden còn cho biết NSA tấn công và cài đặt mã độc vào hơn 50.000 mạng lưới máy tính trên toàn cầu nhằm mục đích thu thập thông tin tình báo từ các mạng lưới này.
Tiết lộ của Snowden không chỉ làm lo ngại cho bản thân người dùng Internet mà còn gây nên những hệ lụy và rắc rối về ngoại giao giữa các nước với chính phủ Mỹ mà cho đến nay vẫn còn nhiều vướng mắc chưa thể giải quyết.
Hiện Edward Snowden đang được tị nạn chính trị tại Nga, bất chấp lệnh dẫn độ từ phía chính phủ Mỹ.
Thương vụ thâu tóm Microsoft – Nokia
Một trong những sự kiện khiến cả làng công nghệ thế giới “chao đảo” trong năm nay là thông tin Nokia quyết định bán mình cho Microsoft trong hợp đồng trị giá 7,2 tỷ USD. Trước đó sau khi Nokia chính thức lựa chọn sử dụng hệ điều hành trên các dòng điện thoại Lumia đã có nhiều hồ nghi về khả năng Nokia sẽ “nép mình” trong “vây cánh” của Microsoft để thoát khỏi khó khăn trong cuộc đua trên thị trường di động. Tuy vậy, tin Microsoft đã hoàn tất thương vụ mua lại bộ phận thiết bị và dịch vụ của Nokia và Stephen Elop sẽ từ chức khỏi ghế CEO của Nokia để đầu quân cho Microsoft đã khiến không ít người bất ngờ.
Có vẻ như thương vụ gây nhiều sóng gió này đang đi theo đúng chiều mong đợi của 2 bên khi các cổ đông của Nokia trong cuộc họp thường niên đã gật đầu đồng ý để Nokia “trao duyên” với Microsoft. Trong khi đó, Ủy ban thương mại Mỹ cùng Liên minh châu Âu cũng đã đặt bút phê duyệt hợp đồng mua bán này.
Thương vụ có ý nghĩa trong lịch sử ngành công nghiệp di động này sẽ chính thức hoàn thành vào quý I/2014.
Như một phần trong thỏa thuận này, Stephen Elop sẽ từ chức khỏi vị trí CEO của Nokia để chuyển về làm việc tại Microsoft với vai trò Phó chủ tịch Phụ trách thiết bị và dịch vụ, chính là bộ phận mà Microsoft vừa thâu tóm lại của Nokia. Động thái này làm rộ lên những tin đồn về việc Microsoft mở đường để Elop tiếp quản chiếc ghế CEO tại Microsoft và Steve Ballmer để lại.
Một diễn biến thú vị liên quan đến Nokia là trong những ngày cuối năm đã rộ lên thông tin hãng di động Phần Lan dù đã đồng ý sáp nhập với Microsoft nhưng hãng này vẫn phát triển một dòng điện thoại mang tên Normandy chạy trên hệ điều hành Android. Được biết đây là phiên bản tùy biến của Android và giao diện hoàn toàn giống với hệ điều hành Windows Phone. Được biết Normandy là smartphone tầm trung và dự kiến sẽ ra mắt tại Hội nghị di động thế giới MWC 2014 sẽ diễn ra trong tháng 2 tới.
CEO Microsoft bất ngờ tuyên bố nghỉ hưu sau 13 năm tại vị
Hồi cuối tháng 8, Steve Ballmer, người tiếp quản chiếc ghế CEO tại Microsoft do nhà sáng lập Bill Gates để lại từ năm 2000, đã bất ngờ tuyên bố sẽ nghỉ hưu và rời khỏi vị trí của mình tại Microsoft trong vòng 12 tháng tới.
Steve Ballmer, 57 tuổi , là người đã nắm giữ vị trí CEO của hãng phần mềm Microsoft trong suốt 13 năm và cũng là người để lại nhiều ấn tượng với giới công nghệ bởi những phát ngôn và những hình ảnh sốc nổi. Động thái của Steve Ballmer đưa ra là khá bất ngờ với bản thân Microsoft cũng như giới công nghệ, tuy nhiên các nhà đầu tư lại khá hoan nghênh quyết định này, khiến cho giá cổ phiếu của Microsoft tăng lên đến 8,7%, lên mức cao nhất kể từ năm 2009.
Steve Ballmer được cho là đã góp một phần khiến Microsoft “hụt hơi” trong cuộc đua với Apple và Google khi ông đã phạm sai lầm, đánh giá sai tiềm năng của 2 đối thủ sừng sỏ này. Microsoft đã nhanh chóng bị tụt hậu trước những thay đổi quá nhanh của xu hướng công nghệ cùng với sức tăng trưởng chóng mặt của các thiết bị di động và tìm kiếm Internet.
Sau quyết định nghỉ hưu của Steve Ballmer, Microsoft đã lập ủy ban đặc biệt để tiến hành việc tìm kiếm người kế nhiệm Ballmer. Đích thân nhà đồng sáng lập của hãng phần mềm Mỹ Bill Gates đã gặp gỡ nhiều ứng viên để tìm người thích hợp ngồi vào vị trí CEO của Microsoft. Hiện tại danh sách ứng viên đã được rút gọn với những nhân vật nổi bật, gồm: Giám đốc điều hành của hãng Ford – Alan Mulally, cựu Giám đốc điều hành Nokia – Stephen Elop, Phó chủ tịch điều hành Microsoft – Tony Bates, và trưởng nhóm điện toán đám mây và doanh nghiệp của Microsoft – Satya Nadella. Tuy nhiên, một nhân vật mới xuất hiện trong tiềm năng trở thành CEO của Microsoft là Giám đốc hoạt động (COO) Steve Mollenkopf của Qualcomm.
Microsoft với mô hình chuyển đổi từ hãng sản xuất phần mềm để tập trung vào chiến lược kinh doanh dịch vụ và thiết bị. Do vậy, ứng viên tiềm năng rất có thể phải là người có nhiều kinh nghiệm trong những lĩnh vực này nhằm giúp Microsoft tìm lại thời hoàng kim.
Vụ tấn công ddos làm ảnh hưởng Internet toàn cầu
Cuối tháng 3, tốc độ Internet trên toàn cầu đã bị ảnh hưởng và chậm đi đôi chút bởi một vụ tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) lớn nhất trong lịch sử. Vụ tấn công xảy ra nhằm vào Spamhaus, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên giúp các nhà cung cấp email có thể lọc ra thư rác và các nội dung không mong muốn khác.
Nguyên do của vụ tấn công được cho là vì Spamhaus đã đánh dấu loạt server được quản lý bởi Cyberbunker, một nhà cung cấp máy chủ tại Hà Lan, vào “danh sách đen” của mình. Các máy chủ của Cyberbunker chấp nhận chứa tất cả mọi nội dung, ngoại trừ các nội dung về khiêu dâm trẻ em và các nội dung liên quan đến hoạt động khủng bố. Cyberbunker được cho là thủ phạm gây nên cuộc tấn công nhằm vào Spamhaus
Cuộc tấn công nhằm vào Spamhaus được huy động từ hệ thống máy tính trên khắp thế giới, với lưu lượng trung bình lên đến 300 Gb/s, lớn gấp nhiều lần kích thước trung bình của những tấn công DDoS trước đây. Quy mô của cuộc tấn công nhằm vào Spamhaus đủ sức để hạ gục cơ sở hạ tầng của Internet một chính phủ và gấp 6 lần quy mô tấn công thông thường vào những hệ thống ngân hàng lớn.
Các chuyên gia bảo mật xem đây là cuộc tấn công mạng lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử.
Facebook và Twitter “lên sàn”
Cùng với sự thành công và bùng nổ của mạng xã hội đã kéo theo đợt “lên sàn” rầm rộ của 2 “ông lớn” Facebook và Twitter.
Đáng chú ý nhất là đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO) của Facebook vào hồi tháng 5 vừa qua khi giúp mạng xã hội này thu về 16 tỷ USD, là đợt IPO lớn nhất trong lịch sử công nghệ, giúp hàng loạt nhân viên và giám đốc của Facebook trở thành tỷ phú và triệu phú.
Không chịu thưa kém Facebook, mạng xã hội Twitter cũng đã chính thức phát hành cổ phiếu ra công chúng vào hồi tháng 11 vừa qua, giúp mạng xã hội này thu về hơn 1 tỷ USD và cho đến nay giá trị cổ phiếu của Twitter vẫn tiếp tục tăng phi mã so với thời điểm công bố giá bán đầu tiên.
Bất chấp những dự báo của các nhà phân tích về việc giá cổ phiếu của các mạng xã hội sẽ nhanh chóng “xì hơi” sau khi những cơn sốt về mạng xã hội không còn như trước đây tuy nhiên vào thời điểm hiện tại giá cổ phiếu của Facebook và Twitter vẫn tiếp tục tăng mạnh so với thời gian đầu và chưa có dấu hiệu cho thấy sự dừng lại.
Apple ra mắt 2 điện thoại trong một năm
iPhone 5C là mẫu điện thoại thứ 2 được Apple ra mắt trong năm nay.
2013 là một năm được cho là “bất thường” với Apple bởi hãng này có truyền thống chỉ ra mắt một thế hệ điện thoại duy nhất trong một năm kể từ năm 2007 với thế hệ iPhone đầu tiên. Hai thế hệ điện thoại iPhone 5S và iPhone 5C xuất hiện trong sự kiện hồi tháng 9 vừa qua đã khiến giới công nghệ bất ngờ. Trong khi iPhone 5S được Apple nâng cấp với bộ vi xử lý A7 mới nhất của hãng cùng với công nghệ nhận diện dấu vân tay Touch ID lần đầu tiên được tích hợp trên điện thoại nhằm nâng cao khả năng bảo mật. Trong khi đó, iPhone 5C với vỏ nhựa nhiều màu sắc được cho là phiên bản hướng tới phân khúc tầm trung vốn là một “tác nhân” khiến Apple lép vế về thị phần trước các đối thủ, đặc biệt là Samsung.
Tuy vậy, trong khi iPhone 5S trở thành smartphone bán chạy nhất trên thế giới trong tháng 10 vừa qua sau khi chính thức được “lên kệ” thì chiếc điện thoại iPhone 5C đã không được đón nhận như mong đợi. Apple đã cắt giảm đơn đặt hàng sản xuất iPhone 5C tại đối tác Foxconn để tập trung sản xuất iPhone 5S.
Mặc dù Apple cố gắng “chiều lòng” người tiêu dùng bằng thế hệ iPhone 5C giá bán phải chăng hơn so với iPhone 5S nhưng ngay sau màn ra mắt bộ đôi iPhone 5S và iPhone 5C, cổ phiếu của Apple đã sụt giảm 5% giá trị khiến “quả táo” mất đến 20 tỷ USD giá trị vốn hóa chỉ sau một đêm, mà nguyên do chính là vì các nhà đầu tư thất vọng với iPhone 5S và iPhone 5C không có nhiều sự cải tiến, trong đó iPhone 5C có mức giá quá cao so với dự đoán ban đầu.
BlackBerry và số phận bấp bênh
Năm 2013 được xem là một năm nhiều thăng trầm của hãng điện thoại Canada.
Research in Motion (tên cũ của BlackBerry) mở đầu năm 2013 với một tương lai tươi sáng khi hãng quyết định đổi tên công ty thành BlackBerry đồng thời ra mắt nền tảng BlackBerry 10, nền tảng được kỳ vọng là “phao cứu sinh” giúp công ty có thể vượt qua khó khăn và tìm được chỗ đứng trên thị trường smartphone.
Tuy nhiên, mọi sự kỳ vọng nhanh chóng trở thành thất vọng khi BlackBerry 10 chưa đủ tầm để giúp BlackBerry cạnh tranh với Android, iOS và thậm chí là Windows Phone trên thị trường smartphone, bên cạnh đó giá bán của smartphone BlackBerry vẫn còn quá cao và chủ yếu nhắm đến người dùng doanh nhân, đối tượng người dùng không thực sự phổ biến, khiến thị phần của BlackBerry sụt giảm nghiêm trọng.
“Vực sâu” của BlackBerry trong năm 2013 khi công ty nghĩ đến quyết định “bán mình” và hàng loạt các ông lớn đã nhảy vào cuộc đua để sở hữu BlackBerry. Cuối cùng BlackBerry đạt được thỏa thuận sơ bộ với quỹ tài chính Fairfax Financial (Canada) với giá rẻ mạt chỉ 4,7 tỷ USD để bán lại công ty. Tuy nhiên, thương vụ này sau đó đã bị đổ vỡ do Fairfax Financial không kiếm đủ số tiền mặt chi trả cho BlackBerry.
Cuối cùng, BlackBerry đã quyết định “trảm tướng”, đồng thời thu hồi lại quyết định “bán mình” và vẫn là công ty đại chúng như hiện tại. Bên cạnh đó, Fairfax Financial chấp nhận đầu tư 1 tỷ USD vào BlackBerry, một số tiền đủ lớn để hy vọng giúp BlackBerry có thể làm điều gì đó nhằm cứu vãn tương lai của công ty.
Trải qua năm 2013 đầy thăng trầm và suýt phải “bán mình”, năm 2014 hứa hẹn là một năm đầy chông gai của BlackBerry để hãng điện thoại một thời là “biểu tượng không thể đánh bại” này có thể tìm lại vinh quang xưa.