Những tâm sự của một cựu nhân viên thuộc biên chế gã khổng lồ tìm kiếm trong ba năm cho thấy môi trường làm việc ở đây chưa hẳn đã là thiên đường với bất cứ ai.
Điều tồi tệ nhất khi làm việc ở nơi đây là, với rất nhiều người, trình độ của họ vượt quá nhiệm vụ mà họ đảm nhiệm. Google chắc chắn là một tên tuổi đầy thu hút dựa trên sức mạnh thương hiệu, lương chi trả cho nhân viên và cả văn hóa làm việc độc đáo. Chính vì vậy, họ luôn thu nhận được các ứng viên sáng giá, cho dù cho công việc yêu cầu trình độ thấp. Có những sinh viên tốt nghiệp từ top 10 trường đại học hàng đầu song lại chỉ đảm nhiệm công tác hỗ trợ quảng cáo cho khách hàng của Google Ads, hay gỡ bỏ những nội dung bị gắn cờ trênYoutube…”
Bạn biết đấy, ở một công ty còn non trẻ, bạn sẽ có rất nhiều cơ hội thăng tiến nếu làm trong các dự án giàu tiềm năng và thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, giờ đây Google đã trở nên quá lớn nên mọi thứ không dễ dàng như trước nữa.
Thật không may, trái với suy nghĩ của mọi người, tôi cho rằng trình độ của các kỹ sư Google cũng chỉ ở mức trung bình. Song họ thực sự rất kiêu ngạo và nghĩ rằng mình xuất sắc hơn người khác. Thế nên, những cuộc thảo luận về bất kỳ vấn đề nào cũng trở nên khó khăn, trừ phi đó là bạn bè của bạn. Có vẻ như chẳng ai quan tâm đến ý kiến của người khác, trừ phi họ là những “vị thần quan trọng”.
Tôi đã làm việc ở Google 3 năm nên thật khó để ra đi, song đã có một nhân tố lớn ảnh hưởng đến quyết định của tôi. Đó là việc một cá nhân như tôi hầu như không có ảnh hưởng gì đến sự vận hành của Google – bởi nó quá lớn. Bạn biết đấy, Google là một cỗ máy in tiền nhờ AdWords, vậy nên trừ phi bạn quá tài năng và nghĩ ra điều gì đó thực sự mới mẻ, nếu không bạn chỉ là một can dầu bôi trơn những bánh răng khổng lồ của cỗ máy ấy mà thôi.
Ở Google không có đủ sự tập trung cho thiết kế hình ảnh và sản phẩm, vậy nên nhiều thứ đã bị bỏ dở giữa chừng hay thành công không đáng kể, ví dụ như Wave, Google Video, Buzz, Dodgeball, Orkut, Knol và Friend Connect. Rõ ràng là có quá nhiều sự tập trung cho “kỹ thuật tinh khiết”.
Nếu bạn phải làm việc trong 4 tòa nhà chính của Google, bạn sẽ thấy nó vô cùng chật chội. Sẽ bất thường khi bạn nhìn thấy 3-4 nhân viên chen chúc trong một ô làm việc, hay nhiều quản lý cùng chia sẻ một văn phòng. Với rất nhiều không gian mở cho thực phẩm, game, truyền hình… thật ngạc nhiên khi rất khó tìm thấy một nơi yên tĩnh, riêng tư để suy nghĩ ở nơi đây.
Nếu bạn đang trong quá trình tuyển dụng vào Google, hãy chắc chắn rằng mình đã thương lượng kỹ càng và hãy chủ động đòi hỏi. Đồng thời, hãy yêu cầu mọi thứ phải được lập thành văn bản, bởi lẽ Google thường có những hứa hẹn rất mơ hồ và có vẻ như chúng nhanh chóng bị lãng quên.
Những con người nơi đây có vẻ như… chưa lớn. Họ có thể nhậu nhẹt bất kể giờ nào, chơi game và thậm chí là tổ chức các hoạt động vui chơi tập thể ngay trong giờ làm việc.
Một trong những cơn ác mộng với tôi chính là việc không thể thực hiện công việc của mình từ xa – điều tôi đã rất thành công trong khoảng 5-6 năm công tác trước đó.
Với những người đảm nhiệm các công việc tạm thời ở Google, phần tồi tệ nhất là đối mặt với thái độ tự mãn của những Googler “đích thực”. Có vẻ như họ cho rằng không làm việc thật sự cho Google là bị thua kém về tài năng hay đạo đức.